Khám phá Hương Canh ngôi làng làm gốm hơn 300 năm

Du lịch Vĩnh Phúc khám phá Hương Canh ngôi làng làm gốm hơn 300 năm du khách sẽ được tận mắt chứng kiến những sản phẩm gốm sứ ra đời bởi các nghệ nhân. Đa số những sản phẩm ở đây đều là chum vại, nồi niêu, ấm chén,... phục vụ nhu cầu thiết yếu của mỗi gia đình. Điều đặc biệt là các sản phẩm gốm sứ ở đây có độ bền cao, vì thế mà người ta đã ví von rằng "sứ Móng Cái, vại Hương Canh".

Các sản phẩm của làng gốm Hương Canh rất đa dạng và phong phú

Đường đi đến làng gốm Hương Canh

Nằm ở thôn Lò Cang, thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc, làng gốm Hương Canh chỉ cách trung tâm thủ đô Hà Nội khoảng 42 km. Giao thông đi lại cũng dễ dàng nên Hương Canh rất phù hợp để thực hiện những chuyến du lịch ngắn ngày.

Khung cảnh ở làng gốm Hương Canh rất cổ kính với không gian yên bình hiếm có

Nếu đi xe máy từ Hà Nội, bạn sẽ di chuyển theo hướng quốc lộ 23, qua cầu Lò Cang rồi rẽ vào làng gốm.

Còn nếu lựa chọn xe khách bạn có thể lựa chọn đi xe các tuyến Phú Thọ, Yên Bái, Tuyên Quang đến Bình Xuyên thì dừng lại.

Ngoài ra, nếu bạn đi bằng xe buýt từ Hà Nội vẫn được, bạn có thể lựa chọn đi xe bus tuyến 07 đi Nội Bài. Rồi xuống điểm đỗ bắt xe bus tuyến VP01 của Vĩnh Phúc.

Lịch sử làng gốm Hương Canh

Theo tương truyền thì sau khi nhà Lê – Trịnh đánh bại “Quận Hẻo” Nguyễn Danh Phương đã phái quan Nội Hầu là Trịnh Xuân Biền về phủ dụ cho dân chúng. Trong khoảng thời gian này Quan Nội Hầu đã giúp dân chúng phục hồi kinh tế sản xuất trước cảnh xóm làng tiêu điều xơ xác. Ông đã đưa người đến dạy dân nơi đây nghề gốm để giúp người dân thoát đói nghèo. Và sau khi ông qua đời, để nhớ công ơn của ông dân làng đã lập miếu thờ và tôn ông làm sư tổ của nghề gốm.

Ngôi đền tôn thờ ông sư tổ của nghề gốm

Được biết trong khoảng thời gian dài từ những năm 1950-1970, gốm Hương Canh đã gây được tiếng vang lớn trên thị trường gốm sứ. Thời điểm đó, dân làng phải làm việc miệt mài ngày đêm mà vẫn không đủ sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Đây là dấu mốc một thời vàng son của làng gốm Hương Canh.

Nét độc đáo của gốm Hương Canh

Do điều kiện thổ nhưỡng ở làng gốm Hương Canh chủ yếu là đất sét xanh, có nhiều "thịt" nên tất cả sản phẩm gốm làm ra ở đây đều rất cứng và có màu đặc trưng. Đặc biệt khi gõ vào gốm còn phát ra tiếng kêu cang cang độc đáo. Chính vì đặc tính nổi bật này mà các mặt hàng gốm Hương Canh được đại đa số người tiêu dùng ưa chuộng.

Đến Hương Canh bạn sẽ được chứng kiến các nghê nhân tạo ra những sản phẩm gốm độc đáo

Một điểm nổi bật khác của các sản phẩm gốm ở Hương Canh đó chính là khả năng ngăn được ánh sáng, chống được sự thẩm thấu. Chưa kể, nếu dùng gốm Hương Canh để pha trà thì giữ được vị trà và nhiệt độ rất lâu; đựng rượu không giảm nồng độ, thậm chí càng để lâu thì rượu càng ngon; đựng hạt giống, hạt giống không bị ẩm mốc và bị trẩm, khi gieo trồng thì hầu hết nẩy mầm,...

Tham quan làng gốm Hương Canh du khách sẽ có dịp được chiêm ngưỡng và tìm hiểu rất nhiều những loại đồ gốm như: chậu, lọ, vại, chĩnh, tiểu, sành,... Gốm sứ không được phát triển theo hướng đồ sứ mà là sành hóa. Với kiểu dáng ngày càng đẹp, đa dạng cùng khả năng chống thấm nước, nên được sử dụng ngày càng rộng rãi.

Du khách cũng có thể thử làm gốm khi đến Hương Canh

Du lịch Hương Canh, ngoài ngắm nhìn nghệ nhân chế tạo các sản phẩm nghệ thuật độc đáo, du khách còn có thể mua làm quà những loại đồ gỗ mỹ nghệ, bức phù điêu cũng như tranh tượng. Những sản phẩm này đều mang đậm cái hồn của làng quê Việt. Điều thú vị nữa là bạn cũng có thể trải nghiệm công việc làm gốm thú vị này, bạn sẽ được hướng dẫn để tự tạo ra một sản phẩm bằng gốm mình muốn có.

Không chỉ có khách trong nước, Hương Canh còn thu hút cả du khách quốc tế đến tham quan

Ngày nay, để đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng, các nghệ nhân làng gốm Hương Canh vừa duy trì mặt hàng sản xuất truyền thống, vừa phải đổi mới đa dạng mẫu mã. Do vậy, gốm Hương Canh hiện nay còn cho ra lò các loại gốm xây dựng và gốm mỹ nghệ đẹp mắt.

Trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, làng gốm Hương Canh đã không còn hưng thịnh như trước, tuy nhiên nghề gốm nơi đây vẫn giữ được những nét tinh túy xưa. Ngày nay khi du khách đến khám phá Hương Canh ngôi làng làm gốm hơn 300 năm vẫn còn bắt gặp hình ảnh một số nghệ nhân lâu năm vẫn miệt mài theo nghề và truyền lại cho thế hệ sau.